Đến với vùng đất Mai Châu, không chỉ chiêm ngưỡng bức tranh non nước hữu tình mà còn có rất nhiều món ăn đặc sản, độc đáo của vùng núi rừng Tây Bắc đang chờ bạn khám phá. Huơng vị thơm lừng quyến rũ của những ống cơm lam, những xiên thịt nướng hay món ăn rất dân dã mà độc đáo, ong rừng xáo măng chua, đắm mình trong men rượu ngô … là những món bạn không thể bỏ qua khi đến vùng đất này. Xin giới thiệu một số món ăn được coi như đặc sản của vùng sơn cước này.

Với 7 cộng đồng người dân tộc sống ở Mai Châu, trong đó đa phần là người dân tộc Thái trắng ở thung lũng này, nên màu sắc văn hóa đã trở nên vô cùng đa dạng và đặc sắc. Và phải kể đến các món ăn của người dân tộc như xôi nếp nương, cơm lam, ong rừng rang măng, lợn Mường nướng, măng luộc, các loại rượu Mai Châu (rượu lá rừng, rượu Mai Hạ, rượu ngô, rượu sắn và rượu gạo)…. 
Cơm lam, ăn gì khi đến Mai Châu

Cơm lam

Món ăn đầu tiên và có lẽ là món ăn nổi tiếng nhất của Mai Châu. Món ăn ấy đã đi vào thơ ca và lòng người với những vần thơ dìu dặt, đậm chất nhạc và chất họa của Quang Dũng:
” Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”
Món ăn không quá cầu kỳ với những ống nứa non, chứa đầy gạo và nướng trên bếp lửa, ăn kèm với muối vừng, thịt heo nướng… Tuy nhiên, chế biến món ăn này đỏi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ. Gạo là nguyên liệu quan trọng, khi nấu cơm lam, người ta lựa chọn loại gạo đặc trưng của vùng núi, hạt nhỏ, thuôn dài, khi chín tỏa mùi thơm nức.
Gạo được vo sạch, cho vào ống nứa cùng ít nước, nén chặt nhưng không quá đầy, dùng lá chuối nút đầu nứa lại và đem nướng. Ống nứa dùng để nướng cơm phải là ống nứa tươi, hơi non để khi nướng, hương thơm của ống nứa tươi hòa quyện vào hương nếp mới tạo nên một hương vị rất riêng của cơm lam.
 

Xôi nếp nương, ăn gì khi đến Mai Châu?
Xôi nếp nương

Đến Mai Châu, thưởng thức được nếp xôi do chính phụ nữ Thái làm mới có thể cảm nhận hết vị ngon.Người Thái luôn chọn nếp nương để làm xôi. Đó là loại nếp người Thái trồng trên những thửa ruộng bậc thang ở thung lũng Mai Châu.


Nếp được ngâm nhiều giờ cho mềm trước khi đồ xôi. Người phụ nữ Thái không đồ xôi bằng nồi, xửng hấp như người Kinh mà cho nếp vào chõ gỗ. Nếp tự chín bằng hơi chứ không nấu. Việc chế biến rất kỳ công và đòi hỏi sự khéo léo. Sau khi có mùi thơm lừng thì lấy xôi ra, cho vào một cái rổ. Tuy nhiên, lúc này xôi chưa chín. Xới đều xôi trong rổ một hồi rồi cho vào chõ gỗ và đồ tiếp cho đến khi xôi chín. Hạt nếp nương giờ đã chín bóng bẫy, hương thơm xộc vào mũi thực khách. Nếp xôi thường được dùng với các món nướng được chế biến từ thịt gà đồi, cá suối hay heo bản.

Nhưng theo người Thái, nếp xôi ăn với muối vừng mới ngon. Quả thật, lấy một miếng xôi chấm muối vừng cho vào miệng, thực khách tận hưởng hết vị thơm và ngọt của lúa nương. Đặc biệt, cách đồ xôi hai lần tạo cho hạt xôi thêm mềm và dẻo. Nắm vắt xôi trong tay, vo tròn, hạt xôi quến vào nhau, không dính bất cứ một hạt nào ra tay. 
Thịt lợn mường, ăn gì khi đến Mai Châu?

Thịt lợn mường
Lợn Mường hay còn gọi là lợn cắp nách, lợn mán, lợn “nít”,… là loại lợn thân hình dài, mõm nhọn, tai nhỏ, chân gầy, lông dài và cứng, được nuôi trong điều kiện tự nhiên, chăn thả trong rừng, chỉ ăn cây, cỏ, không ăn các loại thức ăn công nghiệp nên thịt chắc, nhiều nạc, ít mỡ, thơm ngon và có vị ngọt thịt tự nhiên khi ăn.

Đây là một trong những món ăn đậm đà hương vị vùng cao, là đặc sản không thể thiếu trong những bữa cơm đãi khách của người dân vùng núi Tây Bắc. Có rất nhiều cách chế biến lợn Mường: luộc, hấp, quay, nướng… tuy nhiên cho dù có chế biến như thế nào thì ai đã từng được nếm qua đều công nhận thịt lợn Mường cực kỳ thơm ngon, da giòn, mềm, thịt săn ngọt, không ngấy.

Ngon nhất phải kể đến món thịt nướng. Thịt lợn Mán chọn loại vừa thịt vừa da, rửa sạch, thái thành từng lát mỏng. Ướp thịt với các loại gia vị như riềng, sả, mắm tôm, mẻ, nước mắm, rượu trắng, hạt dổi, lá móc mật… Để khoảng 30 phút sau đó cho lên vỉ và nướng trên than hồng. Thịt nướng chín có màu vàng ươm, cháy cạnh cùng hương thơm lan tỏa, quyến rũ. Ai đã từng nếm miếng thịt lợn Mường nướng chắc sẽ muốn được ăn lại thêm nữa. Người đã từng yêu thích món ăn đặc sản của dân tộc Mường, Thái chắc sẽ còn lưu luyến quay trở lại.
 

Măng đắng, ăn gì khi đến Mai Châu?
Măng đắng
 
Măng rừng là một đặc sản của vùng đất Mai Châu này và là thứ luôn có sẵn trong nhà bởi người dân thường lên rừng lấy măng về ngâm chua hoặc phơi khô để ăn dần.

 Hãy cùng cảm nhận vị đắng nơi đầu lưỡi và vị ngọt ở cổ họng khi nuốt của măng đắng các bạn sẽ cảm thấy rất thích thú. Đã có nhiều du khách nói vui khi thưởng thức món ăn này,họ tự đặt tên cho món “măng đắng “ là món ‘’Tình yêu” bởi vì khi mới thưởng thức các bạn sẽ thấy vị đắng của măng nhưng sau khi nuốt lại thấy vị ngọt của nước măng.
 
Ong rừng xáo măng chua, ăn gì khi đến Mai Châu?
Ong rừng xáo măng chua

Ong rừng không dễ kiếm, chúng chỉ xuất hiện theo mùa, vì vậy nếu muốn được thưởng thức các món ăn được chế biến từ ong rừng bạn hãy lên Mai Châu vào dịp cuối hè. Những tổ ong rừng to bằng chiếc rổ con được người dân trong bản mang về vừa làm thuốc vừa chế biến ra những món đặc sản mà vùng đồng bằng không có được.

Thường những con ong già màu nâu được người dân mang ngâm rượu, còn làm món ăn thì chỉ chọn ong non có màu trắng béo tròn mập mạp.Ong rừng có thể rang với lá chanh như nhộng nhưng ở đây người dân thường xáo với măng chua.

Sau khi lấy hết ong ra khỏi tổ, trước hết đem rửa qua bằng nước lạnh để ráo nước. Phi thơm hành mỡ cho ong vào đảo đều, ong ngả sang màu hơi vàng thì bắc ra trút vào đĩa. Sau đó cho măng vào xào đến lúc chín thì cho ong đã rang vào đảo cùng. Chế biến món ong rừng xáo măng chua rất đơn giản, không cần rau thơm, chỉ thêm một chút cay cay của ớt và nêm nếm gia vị vừa ăn là được. Khi thưởng thức món ăn này, để hương vị thêm đậm đà và đúng vị người ta thường ăn kèm củ kiệu muối. Giữa núi rừng bát ngát, vị béo ngậy, mềm mềm thơm phức của ong rừng lẫn với vị chua cay của măng chua và vị ngọt ngọt, hăng hăng của củ kiệu muối, thêm ly rượu ngô càng làm say đắm lòng người.


Thịt gà đồi, ăn gì khi đến Mai Châu?
Thịt gà đồi

Gà đồi là loại gà được thả chạy bộ trong vườn, trên đồi, trên rừng và được nuôi tự nhiên. Những con gà được thả rong không ăn một chút cám hay tăng trọng, cũng không nuôi theo kiểu công nghiệp, chính vì vậy con gà đồi ăn thơm, ngon và an toàn thực phẩm.

Bất cứ ai đã ăn gà đồi Mai Châu chính gốc đều không thể quên được hương vị thơm ngon đặc biệt của nó. Thịt cực kỳ thơm ngon đặc trưng mà không một giống gà nào có được. Để thưởng thức món gà đồi này ngon nhất, chỉ nên luộc chín tới, lúc này thịt gà còn chắc và giòn, chấm cùng muối ớt trộn lá chanh, phần nước luộc ngọt lịm dùng để ăn kèm với cơm nóng. Thịt gà luộc chắc, vàng, da giòn, thơm, ngọt, mềm, hương vị thịt tự nhiên, đúng chất gà đồi, nước luộc trong. Ngoài món luộc truyền thống, thịt gà có thể chế biến thành nhiều món khác nhau như lẩu, rang, quay, nướng, hầm,… mà vẫn không “khuất” cái nét ngon riêng.
 
Rượu Mai Hạ, ăn gì khi đến Mai Châu?
Rượu Mai Hạ
Rượu Mai Hạ – rượu cũng được chưng cất từ men lá, không bị pha trộn gì thêm nguyên liệu từ bên ngoài ngoài việc pha nước rượu đầu và rượu cuối, rượu đặc, rót ra đĩa sứ đốt cháy xanh lè như cồn. Rượu Mai Hạ trong đến độ không thể trong hơn, chỉ cần lắc nhẹ, tăm rượu như bám chắc lấy cổ chai, hồi lâu mới chịu tan. Chưa cần đưa chén rượu chạm môi, hương rượu đã thơm nồng lan toả. Hương rượu tan trong không gian thoáng rộng nhà sàn, hương rượu chạm vào khứu giác và khi hít sâu vào buồng phổi, ta như được “uống” no nê, say tràn hương rừng, hương đất. Chưa uống mà đã say cái tình của người Mai Hạ hiếu khách.

Rượu Mai Hạ nói chung có thể có thể đạt tới trên năm mươi độ rượu. Rượu nặng nhưng không “xóc”. Mới nhấp vào đầu lưỡi đã lan nhanh xuống họng. Chỉ một chút rượu mà đã thấy lòng dạ xốn xang. Uống rượu Mai Hạ không thể không nhẩn nha, càng không thể uống theo kiểu “nốc ao”. Rượu Mai Hạ, cách uống rượu của người Mai Hạ kỵ nhất lối ăn sóng uống gió, lối uống rượu xô bồ, vừa uống rượu vừa gào thét.

Ngồi giữa thiên nhiên đất trời với khung cảnh núi rừng bao bọc, nếu là mùa xuân thì hoa đào bản người Mông nở rộ, còn mùa đông thì hoa mận trắng trời, không gian nhìn vút xa tầm mắt, cảm nhận không khí trong lành từ thiên nhiên; mà nhâm nhi rượu Mai Hạ với cơm lam ăn cùng thịt lợn Mường nướng chắc sẽ làm cho ai đó đến một lần nhớ đến suốt đời, hoặc không thì chắc mẩy trong số đó mỗi năm trở lại đây 1 lần để thư giãn, để lấy lại chính mình hay lại lần nữa khám phá.

Thường đến đây, người du khách sẽ ở lại ngôi nhà sàn của người dân tộc, ăn các món ăn do chính người bản địa nấu và thưởng thức điệu múa, câu hát sau đó. Là người xa lạ đến thăm một vùng đất mới, nhưng chủ nhà lại không coi đó là khách, họ sẽ tiếp đại người du khách như người thân ở xa mới về thăm.

Chủ nhà trải chiếu hoa, thu xếp căn nhà sàn bằng gỗ tiếp đón, mời ăn các món ăn họ làm ra. Ngày xưa nhà thơ Quang Dũng quả là tinh tế và cũng hồn nhiên nói rằng “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi…” và câu nói ấy còn mang dư âm đến tận bây giờ với bất kì ai khi đến với Mai Châu.

Nếu có dịp đến với mảnh đất Mai Châu, được đắm mình trong sắc hồng của hoa đào, sắc trắng của hoa ban, trong đêm hội xòe hoa của các chàng trai, cô gái Thái, được ngây ngất trong men say nồng của bát rượu ngô còn thơm mùi bắp mới chắc hẳn du khách sẽ có ấn tượng mãi không thôi.