Ở - Mai ChâuĐiểm khác biệt nhất của nhà cửa người Thái so với người Việt và Hán là họ xây nhà sàn. Nhà người Thái trắng có khá nhiều điểm gần với nhà Tày-Nùng. Còn nhà người Thái Đen lại gần với kiểu nhà của các cư dân Môn-Khmer.

Tuy vậy, nhà người Thái Đen lại có những đặc trưng không có ở nhà của cư dân Môn-Khmer: nhà người Thái Đen nóc hình mai rùa, chỏm đầu đốc có khau cút với nhiều kiểu khác nhau. Hai gian hồi để trống và có lan can bao quanh. Khung cửa ra vào và cửa sổ có nhiều hình thức trang trí khác nhau.
Bộ khung nhà Thái có hai kiểu cơ bản là khứ tháng và khay điêng. Vì khay điêng là vì khứ kháng được mở rộng bằng cách thêm hai cột nữa. Kiểu vì này dần gần lại với kiểu vì nhà người Tày-Nùng.
Ở - Mai Châu 1Cách bố trí trên mặt bằng sinh hoạt của nhà Thái Đen khá độc đáo: các gian đều có tên riêng. Trên mặt sàn được chia thành hai phần: một phần dành làm nơi ngủ của các thành viên trong gia đình, một nửa dành cho bếp và còn là nơi để tiếp khách nam.

Trải nghiệm một lần nghỉ  Nhà Sàn Mai Châu.

Qua cầu Lác, xe rẽ vô bản. Thật bất ngờ! Là nơi ngụ cư của người dân tộc nhưng bản Lác có đường nhựa trải vô tận chân nhà sàn. Có cái gì đó khó tả gợn lên khi thấy hàng dãy xe Innova, Camry, Ford... nối đuôi nhau đậu sát bên dưới nhà sàn mộc mạc bằng gỗ. Bản Lác hiện có trên 25 “hotel” là nhà sàn được xây cất theo quy hoạch, đầu hồi nhà có đánh số. Nhà sàn bản Lác cái nào cũng to, đẹp; và rất tôn trọng truyền thống kiến trúc cổ. Người Thái làm nhà sàn, dù cho kết cấu to nhỏ khác nhau nhưng cầu thang chín bậc thì không thể thiếu bậc nào.
Ở - Mai Châu 2
Sàn nhà được dát bằng tre rộng mênh mông, đệm gối sắp đều tăm tắp. Đây là gian nghỉ ngơi của du khách vào buổi đêm. Không có giường, khách “ngủ tập thể” trên sàn nhà, dân dã, ấm cúng.

Sát cạnh sàn ngủ - nghỉ là sàn để ngồi ăn cơm, uống trà.

Tôi làm một vòng xuống bếp xem người Thái nấu ăn thế nào. Trời, cũng hiện đại chẳng kém gì người Kinh. Dưới gầm nhà sàn, đèn điện sáng trắng, tủ lạnh chạy xè xè, bếp ga lửa nổi cao ngang mặt người. Chỉ có điều, dưới là bếp, nhìn lên trên qua tấm phên tre làm sàn nhà, thấy mông mấy ông bà Tây, “quả” nào “quả” nấy to tướng, thỉnh thoảng lại nhún chồm chồm, còn nghe tiếng chân người đi lại lộp cộp. Gầm nhà sàn còn là nơi chứa dụng cụ sản xuất. Ở đó, có cô gái Thái cháu chủ nhà đang ngồi bên khung cửi chăm chỉ dệt từng nét hoa văn thổ cẩm. Theo phong tục, công việc này làm rất tỉ mỉ, kiên nhẫn suốt một thời con gái cho đến khi lấy chồng; phải đủ chăn, đệm, gối mang tặng gia đình nhà chồng.

Chiều buông lành lạnh, hương lúa ngạt ngào, du khách thả bộ quanh những con đường trong bản, tha hồ xem - chọn những mặt hàng dân dã. Trước nhà sàn nào cũng bày vài ba chiếc bàn con, trên đó tha hồ chọn các loại thổ cẩm như dải dây, ví tay, túi xách, khăn piêu... Quanh nhà còn treo la liệt những súc vải dài hay áo quần may sẵn với hoa văn Thái đặc trưng. Ngoài ra, rất nhiều đồ đi săn của người dân tộc được làm mộc mạc bằng tre, gỗ như cung nỏ, ná cao su, dao đi rừng... Nhiều mặt hàng rất độc đáo như... mõ trâu, sáo trúc, ống đựng thư pháp bằng tre.
Ở - Mai Châu 3
Du khách có thể thoải mái ngắm nhìn, chuyền tay nhau các món đồ mà chẳng ngại phiền hà bởi chủ nhân còn mải chăm chút khung dệt, guồng tơ. Jean Lapierre, một du khách người Pháp hào hứng: “Có nhiều đồ độc đáo ở đây. Giá cả không quá cao, người bán hàng rất thân thiện. Người dân tộc ở đây thật thà, mến khách”. Theo một chủ nhà sàn thì công chúa Vương quốc Thái Lan cũng đã đến đây du lịch và mua rất nhiều thổ cẩm.

Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của dân tộc Thái, nhờ đó tạo nên bản sắc văn hoá riêng hấp dẫn du khách. Thổ cẩm Mai Châu đẹp nổi tiếng bởi sự trau chuốt của những phụ nữ Thái. Để dệt một tấm thổ cẩm, đồng bào phải mất bảy tháng trồng bông, trồng dâu rồi sau nhiều công đoạn mới xe được sợi vải để dệt nên tấm thổ cẩm truyền thống. Cái nét dân tộc trong trang phục của người Thái rất rõ: Khăn chít ngang đầu, áo ba gang màu thanh thiên, váy thâm chùng kín gót, mỗi cô quấn quanh ngực một tấm thổ cẩm làm “cặp váy” ép chặt bộ ngực tạo nên vẻ dịu dàng kín đáo.

Không có một nét nào phô diễn, khơi gợi nhưng khiến cho khách nhớ mãi và tôn trọng, nâng niu như bài thơ Tây Tiến từng ca ngợi “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa. Kìa em xiêm áo tự bao giờ...”. 
Ở - Mai Châu 4

Đêm Mai Châu rộn ràng trong tiếng chiêng trống của đội văn nghệ bản. Trước đó, ông chủ nhà sàn đã nổi những hồi trống dài. Tiếng trống báo hiệu tại nhà sàn này tối nay có múa sạp. Ở bản Lác, nhà nào cũng có thể tổ chức múa sạp nhưng thường thì họ luân phiên nhau, khách đến nhà nào đông thì tối sẽ múa sạp ở nhà đó. Đội múa xòe gồm những cô gái xinh đẹp, họ được học múa, học hát và học cả ngoại ngữ để tiếp khách. Đêm đó, đội biểu diễn trên 10 tiết mục ca múa bằng tiếng Thái, kết thúc là màn múa sạp và mời khách cùng uống rượn cần.

Trong tiếng nứa dồn dập vỗ nhịp nhảy sạp, người ta bưng ra bình rượu cần, những cô gái Thái vít cần rượu mời khách, men rượu nung chín đôi má thiếu nữ làm không ít chàng trai ngây ngất. Tiệc rượu tàn trong cái lạnh dịu dàng hòa quyện với vị ngọt rượu cần, đưa du khách vào giấc mộng ấm áp với chăn sui, gối cỏ, trên sàn nhà mộc mạc, hồn lại thả theo những vần thơ Tây Tiến: “Tây tiến người đi không hẹn ước. Đường lên thăm thẳm một chia phôi. Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy....